Thực phẩm nào gây bệnh ung thư?

Thuc pham nao gay ung thu 1Ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa (di căn). Ngày nay người ta biết rõ ung thư không phải do một mà nhiều nguyên nhân gây ra.

Mỗi loại ung thư có những nguyên nhân riêng biệt. Một tác nhân sinh ung thư có thể gây ra một số ung thư và ngược lại một loại ung thư có thể do một số tác nhân.

Thói quen ăn uống và bệnh ung thư

Một trong những nguyên nhân chính khiến cho mỗi năm Việt Nam lại có thêm 150 ngàn bệnh nhân ung thư mới là do thực phẩm ngày càng bị ô nhiễm bởi nhiều hoá chất độc hại tới sức khoẻ con người. Thống kê của Hội Ung thư TP HCM nói riêng và trên thế giới nói chung đều đưa ra một nhận định rất giống nhau.

Đó là, thói quen ăn các món nướng, sử dụng thức ăn nhanh, ăn nhiều chất béo và thịt đỏ, ít chất xơ… khiến cho tỷ lệ ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại – trực tràng (ruột già và ruột cùng) gia tăng và cho hàng chục ngàn người chết mỗi năm. Nguy cơ trên ngày một trầm trọng vì người cung cấp hàng hoá thường lạm dụng các chất phụ gia trong thực phẩm để chế biến và bảo quản thực phẩm tươi sống như muối nitrat, nitrit, thói quen lên men các loại thực phẩm…

Mỡ dùng lại nhiều lần cũng là một trong những tác nhân nguy hiểm đối với các loại bệnh ung thư đường tiêu hoá. Các thực phẩm được chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn, các loại thức ăn chứa nhiều chất béo, nhất là các loại bánh như bánh chả, bánh quy… nếu để lâu ngày, chất béo bị ôxy hoá rất dễ gây ngộ độc. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Y khoa Nam Carolina cho biết, chất béo (lipid) khi kết hợp với nguyên tố sắt sẽ tạo nên hiệu ứng oxy hoá – yếu tố đóng vai trò trong quá trình phát triển ung thư.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu dầu thực vật cho thấy trong số 89 mẫu lạc từ đồng ruộng của nông dân có 11 mẫu nhiễm Aflatoxin B1, bốn trong số những mẫu này nhiễm Aflatoxin từ vừa phải đến cao (31,2 – 125mg/kg). Còn trong số 11 mẫu lạc lấy từ chợ và cơ sở chế biến dầu thì có 5 mẫu nhiễm Aflatoxin 20 – 112,2 mg/kg.

Aflatoxin là độc tố của nấm Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus. Hai loại nấm mốc này ngoài gây nhiễm độc, gây rối loạn chức năng, suy giảm miễn dịch, thoái hoá gan thận và làm chết gia súc trong trường hợp nhiễm độc hàm lượng lớn, Aflatoxin được chứng minh là chất gây ung thư ở người. Nếu hấp thụ một tổng lượng 2,5 mg Aflatoxin trong thời gian 89 ngày có thể dẫn tới ung thư gan.

Ngoài ra các công bố khác ở Hà Nội cũng khẳng định: “Tỷ lệ Aflatoxin B1 trong tổ chức gan của 83,3% bệnh nhân ung thư gan nguyên phát được điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị cho thấy ung thư gan nguyên phát ở Việt Nam có liên quan chặt chẽ với Aflatoxin B1 qua đường ăn uống”.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm cả nước có gần 200.000 người bệnh bị bệnh ung thư mới phát hiện. Riêng Bệnh viện K Hà Nội, một trong những trung tâm hàng đầu về điều trị căn bệnh này của cả nước, trong vòng 5 năm lại đây, mỗi năm tiếp nhận bình quân 150.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện và có 70.000 người đã chết vì căn bệnh này.

Theo GS-TSKH Lê Huy Bá nguyên nhân chính gây bệnh ung thư là do độc chất môi trường nhiễm vào cơ thể từ thực phẩm, thức ăn, nước uống và không khí. Trong đó có các chất cực kỳ nguy hiểm như dioxin. Đây là một chất cực độc ít tan trong nước, tồn tại nhiều và lâu dài trong đất tới 30-40 năm và xâm nhiễm vào thực vật, tôm cá, các loại rau quả để cuối cùng thâm nhập vào con người.

Từ lâu trên thị trường xuất hiện loại nước tương, nước mắm “chết người” có chứa hàm lượng 3-MCPD và 1,3-DCP vượt mức cho phép từ 4 đến 488 lần. Hai độc chất 3-MCPD (3-monochloropropane-1,2-diol) và 1,3-DCP (1,3-dichloro-2-propanol) thuộc trong nhóm chlorapropanols có trong nước tương từ quá trình thuỷ phân chất béo (váng dầu) bằng dung dịch axit clohydric.

Uỷ ban khoa học về an toàn thực phẩm của EU (SCF) đã xếp chúng vào loại gây ra ung thư (genotoxic carcinogen) vì các chất này có khả năng biến đổi gen, và đặc biệt nguy hiểm hơn khi hàm lượng 3-MCPD cao, tạo điều kiện thuận lợi hình thành một chất gây ung thư mạnh hơn, đó là 1,3-DCP (1,3- diclopropan-2-0l) gây nên khối u thận, biểu mô miệng, lưỡi.

Loại phẩm màu công nghiệp dùng để nhuộm quần áo là Rhodamine B để “lên màu” cho 80-100% hạt dưa, bột ớt, cũng là một chất cực độc và khó bị phân huỷ, vì thế, việc đưa chất này vào cơ thể đều khiến các cơ quan nội tạng, đặc biệt là gan, thận bị phá huỷ và có thể dẫn đến ung thư.

Hãy lựa chọn những thực phẩm an toàn

Trên thị trường tồn tại hàng trăm, nghìn loại thực phẩm và việc lựa chọn những chất dinh dưỡng an toàn chỉ có ích cho sức khoẻ không phải là một việc dễ dàng. Mới đây cơ quan An toàn thực phẩm Anh (FSA) vừa đưa ra khuyến cáo sử dụng 10 loại thực phẩm có khả năng làm giảm nguy cơ gây bệnh như Lycopen, Vitamin E, C…

Đứng đầu bảng là các loại quả mọng như dâu, việt quất, mâm xôi…Chúng chứa hàm lượng chất chống ôxy hoá cao nhất và có thể trung hoà gốc tự do- tác nhân gây ra các bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim mạch. Tiếp đến là các sản phẩm từ sữa, như sữa chua.

Chúng không những là nguồn thực phẩm tốt cung cấp canxi cho cơ thể mà còn hàm chứa đại lượng protein, vitamin (bao gồm vitamin D) và khoáng chất để chống lại chứng loãng xương. Cá là loại thịt đặc biệt chứa nhiều axit béo omega-3, đặc biệt là cá hồi, cá ngừ. Loại axit béo này có thể chống được bệnh tật, giúp giảm mỡ máu, đồng thời còn có thể phòng bệnh tim.

Rau xanh được liệt vào một trong những thực phẩm chống bệnh tật rất tốt. Các loại “rau vua” như chân vịt, súp lơ xanh, bắp cải, xà lách… rất giàu chất carotene, vitamin C, vitamin B11, nguyên tố sắt, nguyên tố Magie, chất hoá học thực vật, chất chống ôxy hoá… có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài rau, thực phẩm chế biến từ ngũ cốc rất giàu vitamin B11, nguyên tố selen (Se), vitamin B và các nguyên tố khác có lợi cho tim mạch, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Thuc pham nao gay ung thu 2

Từ xưa đã biết, nếu bị táo bón nên ăn khoai lang vì với hàm lượng chất chống ôxy hoá, chất hoá học thực vật, bao gồm â – carotin, vitamin C và E, vitamin B11 và các nguyên tố vi lượng như canxi, đồng, sắt, kali, chất xơ trong khoai lang giúp “nuôi dưỡng” đường tiêu hoá và ngăn chặn sự phát tác của bệnh tim và ung thư. Tuy nhiên, không nên ăn quá thường xuyên vì nó chứa nhiều canxi, có thể gây sỏi thận.

Một loại thực phẩm khác chứa các chất hoá học thực vật, đặc biệt nhiều chất dinh dưỡng, hàm lượng protein cao, vitamin B11, chất xơ và các nguyên tố vi lượng như sắt, mangan, canxi… nhưng không chứa chất béo là đậu đỗ. Đây cũng là thực phẩm có nhiệt lượng thấp nhất và là sự lựa chọn lý tưởng không chỉ cho người có chế độ ăn giảm béo mà còn có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, giảm cholesterol trong máu, ổn định đường máu.

Cuối cùng, trứng gà là loại thực phẩm tiện ích cho những người có mức cholesterol trong máu ở mức bình thường vì chúng không chỉ chứa nhiều protein hơn hẳn so với các loại thực phẩm khác, mà còn chứa chất carotin, lecithin và các vitamin A, D, B2 và xeanthin và choline.

Một số tiểu xảo trong nấu ăn có thể hỗ trợ người nội trợ loại bỏ các tác nhân “tiêu cực” của thực phẩm và nâng cao chất lượng bữa ăn. Thịt ướp muối, xúc xích, lạp xường… là những món sẵn ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Tuy vậy, để sử dụng an toàn chỉ nên ăn ngay hoặc hấp, tuyệt đối không được rán vì dưới tác dụng của nhiệt độ cao trong sản phẩm này sẽ xuất hiện  những hợp chất gây ra bệnh ung thư như pyrolidine nitroso và dimethylnitrosamine… Trong cá muối, lượng nitrite khá nhiều vì vậy trước khi ăn tốt nhất nên cho vào nước luộc qua và tuyệt đối không rán vì dễ sinh ra các chất sinh ung thư.

Rau tươi làm nguyên liệu có chứa một hàm lượng nitrit rất nhỏ, nhưng khi được muối chua thì hàm lượng nitrit sẽ tăng cao trong một vài ngày đầu do vi sinh vật có trong môi trường chuyển hoá nitrat trong rau thành nitrit. Đưa sản phẩm dưa, cà muối này vào cơ thể, axít trong dạ dầy sẽ tạo điều kiện cho nitrit tác động với các amin từ các thực phẩm khác như cá, thịt…để tạo thành hợp chất gây ung thư cao-nitrosamine.

Tuy nhiên, hàm lượng nitrit sẽ giảm dần và mất hẳn khi dưa đã được muối chua vàng và tăng cao trở lại khi dưa bị khú. Như vậy, những người thích ăn dưa, cà muối xổi (chưa hoàn toàn chua vàng) hay ăn dưa đã bị khú sẽ tự mình rước bệnh vào người.

Ngoài ra, dưa, cà muối cũng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng nếu nguyên liệu chế biến có chứa nhiều dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học hay các kim loại nặng, không được chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như nguồn nước dùng để muối không sạch hay sử dụng hoá chất để bảo quản sản phẩm được muối rồi nhiều lần. Do vậy, để hạn chế nhược điểm này, nên tự mình chọn nguồn nguyên liệu sạch và tự chế biến món ăn “dân gian” này cho gia đình.

Bài liên quan:

Nhận xét bài: Thực phẩm nào gây bệnh ung thư?

Leave a comment