Coi chừng mắc bệnh vì trà chữa bệnh

Coi chung mac benh vi tra chua benh 1Ông Hưởng ở TP HCM bị táo bón và đau bụng do uống trà chữa phong thấp trong khi không bỏ thói quen nhậu thịt chó, thịt dê. Để tránh sự cố tương tự, các lương y khuyên không tùy tiện dùng trà chữa bệnh.

Theo Lương y Đào Trọng Văn, người tiêu dùng phải phân biệt loại trà chuyên dùng để trị liệu và loại chủ yếu để giải khát. Tuy nhiên, các loại trà chữa bệnh hiện lại được bán và dùng rất “vô tư”.

“Nếu bị bệnh mà ngại đến bệnh viện thì hãy mua thuốc dưới dạng trà về uống, đảm bảo vừa ít tốn kém vừa hiệu quả”- một chủ cửa hàng bán trà trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) quảng cáo. Theo ông này, trà là thuốc chữa bách bệnh; ngay cả đau bao tử, xương khớp, u xơ tử cung, tim mạch, ung thư cũng chữa được.

Tại các chợ, trên các tuyến đường và hàng loạt các siêu thị ở TP HCM, đâu đâu cũng thấy tràn lan trà chữa bệnh. Chỉ riêng một đoạn trên đường Phạm Văn Hai chưa tới 20 mét đã có đến 5 cửa hàng bán trà chữa bệnh.

Thấy khách bảo bị sỏi thận hay đi tiểu dắt, chị chủ một cửa hàng nhanh chóng cầm lên một gói: “Đây là trà chuối hột trị bệnh sỏi thận và tiểu dắt, giá 50.000/ gói 50 g, mỗi ngày uống 2-3 gói. Nếu bệnh của em mới khởi phát, uống khoảng 2 gói như thế này là lành ngay”.

Tại những đại lý bán trà ở khu vực chợ Bình Tây, hàng trăm loại trà thuốc được bày bán như trà túi lọc như sen-lạc tiên, linh chi, atiso-nhân sâm, diệp hạ châu, kim tiền thảo, trà rong biển, trà hòa tan bông cúc – la hán quả và tăng sinh… Có hộp ghi công dụng, có hộp để trống trơn không ghi thành phần, cách sử dụng, hạn bảo quản.

Chị Hoài Thu, chủ sạp trà trong khu vực hàng khô của chợ Bình Tây, lấy ra cái gói mà chị gọi là trà rong biển khi khách nói có người thân bị bướu cổ. Ngoài bao bì chẳng ghi thành phần gì. Chị Thu lấy bút nước ghi lên: “Trà làm mát gan, ngừa bướu cổ” và cho hay ngày nào cũng bán được gần 50 kg.

Coi chung mac benh vi tra chua benh 2

Tương tự, trà Hoàng cung trinh nữ được cho là có công dụng trị bệnh u xơ tuyến tiền liệt, u xơ tử cung ở phụ nữ, gói 50 g, có giá 45.000 đồng. Trà ổi được quảng cáo trị bệnh cho những người bị bệnh tiểu đường. Người đau bao tử được khuyên mua trà nghệ. Trà củ ráy được quảng cáo phòng bệnh gout, phong thấp, tiêu thũng, giải độc.

Hầu hết các loại trà “chữa bệnh” đều được giới thiệu là tinh chế từ hoa, lá, thân, rễ, củ… của các loại dược thảo sẵn có trong thiên nhiên. Tuy nhiên, theo lương y Đào Trọng Văn, Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM, người tiêu dùng đang quá lạm dụng trà chữa bệnh, đặc biệt là những loại không nguồn gốc ở các chợ.

“Nhiều người cứ thấy trà là mua, ngay cả người không có bệnh cũng uống nhưng không biết đó là thuốc dưới dạng trà. Không có bệnh mà uống thì sẽ độc”- lương y Trọng Văn cho biết. Chẳng hạn, những người không bị cảm nhưng vẫn uống trà giải cảm thì sẽ mệt, do mồ hôi ra nhiều. Có những loại trà có thể phù hợp với người này nhưng lại không phù hợp với người kia.

Lương y Trần Đình Hòe ở đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, cho biết do nhiều loại trà không nguồn gốc, chỉ định và cách dùng nên đã có các trường hợp dùng sai; chẳng hạn như uống trà chữa đau dạ dày ngay sau khi ăn cơm. Lúc này, chất tanin trong trà sẽ làm cho protein trong thức ăn trở nên cứng, không tiêu được.

Mới đây, có người đến hỏi ông Hòe rằng bệnh táo bón và đau bụng kéo dài có phải do uống trà hay không. Hóa ra người này sau khi nhậu thịt chó và thịt dê lại uống trà chữa bệnh phong thấp, nên acid tanic có trong nước trà kết hợp với protein, tạo thành tanalbin gây táo bón và đau bụng.

Theo lương y Đào Trọng Văn, người tiêu dùng phải phân biệt được trà thuốc và trà giải khát. Ngay cả những người có bệnh khi dùng trà thuốc cũng phải thật cẩn thận. Tốt nhất là đến khám ở bệnh viện hoặc các cơ sở y tế trước, trong và sau khi uống trà. Không nên chỉ đọc cách dùng của sản phẩm mà không có chỉ định của bác sĩ.

Bài liên quan:

Nhận xét bài: Coi chừng mắc bệnh vì trà chữa bệnh

Leave a comment